Chương 11: SỰ CHỌN LỰA CUỐI CÙNG

Rồi sẽ đến thời điểm thảm khốc tột cùng của cái chết, lúc ấy thân nhân, bạn bè hỏi: "Hắn để lại bao nhiêu?". Còn Thiên Chúa chất vấn: "Ngươi mang những gì theo?" Cũng trong khoảng khắc thời gian ấy. Nhưng chỉ câu hỏi thứ hai là quan trọng. Bởi lẽ chúng ta mang theo công nghiệp của mình. Lịch sử cuộc đời mỗi người rất ngắn: "Đã ấn định cho mọi người đều phải chết một lần, sau đó là phán xét" vì "Con người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Ngài với các thiên thần và Ngài sẽ thưởng công cho mỗi người xứng đáng tùy theo việc họ làm". Trong bầu không khí hay quên lãng của Kitô Giáo truyền lại cho văn minh tây phương, giống như làn sương khói độc hại, thì chân lý trên về phán xét sau khi chết, thường bị làm ngơ nhất, trong tầm nhìn luân lý của quảng đại quần chúng. Nhưng linh hồn chúng ta sẽ được lợi ích nhiều nếu suy gẫm tốt về sự thật ấy. Có hai đề tài cần phải bàn: Bản chất và sự cần thiết của phán xét.

Tất cả thiên nhiên làm chứng về sự cần thiết của phán xét. Khắp mọi nơi trong vũ trụ bao la, những tạo vật bên dưới con người đều trừng phạt những kẻ xâm phạm luật thiên nhiên. Chẳng cần đâu xa, xin cứ nhìn quanh chúng ta, trong các bệnh viện, khám đường, viện tâm thần, để hiểu ra định luật này. Giống như việc những quan tòa, nó trừng phạt nghiêm minh những kẻ phá hoại luật lệ của nó. Nếu thân thể con người bị lạm dụng qúa độ, thiên nhiên sẽ trả thù bằng các bệnh tật, yếu đuối, nó tuyên án cho kẻ vi phạm. Nếu một mảnh đất đá ương ngạnh tách ra khỏi toàn khối ngôi sao, thiên nhiên tuyên án cho nó cháy tan tành trong vũ trụ.

Thiên nhiên thực sự đối phó với các tạo vật ngay trên mặt bằng nơi chốn và thời gian. Nhưng về phần luân lý thì chưa như vậy. Nó chưa "tính sổ" với từng người trước cái chết. Vì vậy còn qúa nhiều người vô tội chịu thống khổ, quá nhiều tội nhân chưa phải phạt, qúa nhiều người lành chưa được thưởng, qúa nhiều phát triển của cái ác, qúa nhiều đau khổ cho những linh hồn vâng lời Chúa, qúa nhiều sung sướng cho kẻ không vâng lời, quá nhiều vinh dự cho các tội nhân giả hình, quá nhiều bất công cho kẻ kêu xin khiêm nhường, quá nhiều vị thánh còn mai danh ẩn tích, quá nhiều kẻ độc ác được ca tụng, quá nhiều con cái Chúa bị đóng đinh, quá nhiều kẻ vô lại kiêu căng, tâm đắc: "Ta từng phạm tội mà có thấy hình phạt đâu?".

Nhưng ngày phân xử đương nhiên phải đến, giống như một nhà kinh doanh hàng năm phải tính toán lời lỗi ra sao! Mỗi linh hồn ngày nào đó phải ra trước tòa Thiên Chúa mà trả lẽ cuộc đời. Cuộc sống mỗi người giống như một kế toán viên, phải ghi sổ từng món chi tiêu, thu nhập, từng ý nghĩ, từng việc làm, từng món nợ, hết mọi chi tiết để giám đốc xem xét, kiểm tra, cân đối. Khi mọi dịch vụ đời sống đã đến hồi kết thúc, Thiên Chúa sẽ lôi ra tất cả điều nhớ, điều quên, việc lành việc dữ, công nghiệp hình phạt, nhân đức, nết xấu mà phán quyết cho chúng ta thiên đàng hay hỏa ngục, sự sống hay cái chết đời đời. Chúng ta có khả năng gian dối ở đời này, bởi vì Thiên Chúa cho phép cỏ lùng và lúa miến mọc chung trong thửa ruộng, nhưng đến ngày thế mạt không như vậy được. Chúa sẽ bảo các thiên thần thợ gặt: "Thu lượm cỏ lùng lại mà đốt đi, còn lúa thì chứa vào kho lẫm cho ta".

Nhưng bản tính của việc phán xét là gì? Trong việc trả lời câu hỏi này, chúng tôi nghiêng về phán xét riêng sau khi chết hơn là phán xét chung, khi mọi dân mọi nước phải ra trước tòa án Thiên Chúa. Phán xét công nhận tội phúc về phía Thiên Chúa và về phía nhân loại. Trước hết, công nhận tội phúc về phía Thiên Chúa: Xin tưởng tượng. Có hai linh hồn đứng trước ngai Thiên Chúa. Một trong tình trạng đầy ơn thánh, kẻ khác đầy tội lỗi. Ơn thánh là sự tham dự vào bản tính và đời sống của Đức Chúa Trời. Giống như người phàm tham dự vào đời sống của cha mẹ mình, vì cha mẹ đã sinh ra mình. Vậy một linh hồn được chịu phép rửa tội cũng sinh ra bởi Thần Khí của Thiên Chúa, chia sẻ đời sống và bản tính Thiên Chúa. Sự sống của Thiên Chúa tuôn chảy trong linh hồn họ, như máu lưu thông trong thân xác, nhựa trong thân cây, in dấu vô hình nhưng chân thật chân dung của Đức Chúa Trời, làm cho linh hồn ấy nên giống Thiên Chúa. Vậy khi Chúa nhìn vào linh hồn ấy thì nhận ra nó giống mình, vì nó ở trong tình trạng ơn thánh. Bản tính của nó với bản tính Đức Chúa Trời là một. Giống như người cha nhân loại nhìn vào các con cái mình, ông nhận ra chúng và yêu mến chúng. Đức Kitô cũng nhận ra và yêu mến các linh hồn đầy ơn thánh, Ngài nói với họ: "Hỡi những kẻ được Cha ta chúc phúc, là con tự nhiên của Ngài. Các bạn là con vì ơn thánh. Hãy vào mà hưởng nước trời, đã dọn sẵn cho các bạn từ thủơ đời đời".

Mặt khác Chúa nhìn vào linh hồn tội lỗi và thấy họ khác mình, thối tha, ghê gớm không giống mình chút nào, như người cha phàm tục nhìn vào con hàng xóm nhơ bẩn. Ông nhận ra ngay nó không phải là con mình đẻ ra. Thiên Chúa cũng không nhận ra những linh hồn tội lỗi có điều chi giống mình, bởi họ là con cái ma qủi. Ngài không thấy nơi chúng vẻ đáng yêu của bản tính mình, cho nên đã nói như trong dụ ngôn cô dâu, chàng rể: "Ta không biết các ngươi từ đâu đến". Lúc này chẳng có chi khủng khiếp hơn. Không được Đức Chúa Trời nhận diện.

Thứ hai, công nhận tội phúc về phía con người. Giả dụ bạn đang rửa xe, hay thu dọn nhà cửa, thì một người khách sang trọng đến chơi, ông ta đứng đợi ngoài cửa. Lúc ấy bạn phản ứng lúng túng không như khi ăn vận sạch sẽ, sẵn sàng để tiếp đón ông ta. Nhưng trong trường hợp nhơ bẩn này, bạn phải xin lỗi người khách lạ. Nói với ông mình chưa sẵn sàng xuất hiện trước vị khách sang trọng như vậy. Linh hồn tội lỗi đứng trước tôn nhan Thiên Chúa cũng sẽ hành xử tương tự. Nó không dám minh oan, không dám phản đối, không dám khẩn khoản van nài, không dám đòi hỏi xét xử lại, không dám chống bản án; bởi lẽ nó đã nhìn ra hình ảnh thật sự của mình, có thể nói nó phán xét chính mình. Thiên Chúa oai nghiêm chỉ đứng đấy chuẩn nhận. Nếu như nó thấy mình trong trắng và sống động trong ơn nghĩa Chúa, nó sẽ ngã mình vào vòng tay dấu yêu của Ngài, nói khác đi, vào thiên đàng. Tương tự như con chim được thả ra khỏi lồng bay bổng lên bầu trời. Nếu nó thấy mình còn chút vướng mắc và tấm áo trắng của bí tích thanh tẩy còn lấm chút bợn nhơ, linh hồn không dám bay thẳng vào thiên đàng, nơi hoàn toàn trong sạch, mà tự nguyện ném mình vào lửa luyện tội mà tẩy sạch mọi tội khiên. Nhưng nếu như thấy mình không hy vọng hạnh phúc đời đời, bởi mắc nhiều tội lỗi, chẳng có chút nào giống hình ảnh Đức Chúa Trời trong sạch và thánh thiện. Nó đã mất hết cảm tính sống đời tinh thần, lúc ấy nó phải trốn xa nhan thánh Chúa, không chịu đựng nổi sự nghiêm khắc của Ngài. Họ giống như người khiếp sợ âm nhạc, nghệ thuật, thơ phú… Vì lý do nào thiên đàng trở thành hỏa ngục cho những linh hồn như vậy? Nhan thánh ngọt ngào trở thành cay đắng? Bởi lẽ nó cảm thấy lạc lõng giữa sự thánh thiện như cá mang ra khỏi nước. Bởi nó nhận ra tình trạng không thánh thiện, không xứng đáng, không giống Thiên Chúa của mình, nên chán ghét sự thanh sạch nơi Thiên Chúa. Nó tự gieo mình xuống hoả ngục như viên đá rời khỏi tay rơi xuống mặt đất. Như vậy linh hồn chỉ có ba trạng thái sau cái chết thân xác: Thiên đàng, Luyện ngục và Hỏa ngục. Thiên đàng là tình yêu không đau khổ, luyện ngục đau khổ với tình yêu và hỏa ngục đau đớn không yêu mến.

Có một từ xem ra nghịch nghĩ, không có thật và đầy tưởng tượng đối với thính giả tân thời. Đó là từ luyện ngục. Mặc dù người tín hữu đã tin vào đó hàng ngàn năm. Ba trăm năm gần đây bên ngoài Hội Thánh Rôma, người ta không tin vào ý niệm này nữa. Người ta cho là sản phẩm của tưởng tượng, không có thật, hơn là hoa qủa của linh hướng và trí khôn lành mạnh. Sự thật, gần đây niềm tin vào luyện ngục giảm bớt, những thể hiện nền văn minh hiện thời bỏ qua hai điều căn bản của thế giới luân lý: Sự tinh tuyền của Thiên Chúa và Tính ghê tởm của tội lỗi. Một khi hai điều này được tin theo thì vấn đề luyện ngục phải được đặt ra. Bởi lẽ luyện ngục là chi? Nếu không phải là tình trạng tạm thời người ta phải đền tội khi ra khỏi đời này trong ơn thánh, nhưng chưa hoàn toàn trong trắng, còn vướng mắc những lỗi lầm nho nhỏ hoặc chưa đền tội đủ ở đời này. Như vậy luyện ngục là nơi phép công thẳng của Thiên Chúa đang được cân bằng với tình yêu của Ngài và tình yêu của con người tinh luyện những xúc phạm của mình. Chúng ta sẽ bàn kỹ lưỡng hơn.

Trước hết, luyện ngục là nơi tình yêu Thiên Chúa cân bằng phép công thẳng của Ngài. Sự cần thiết của học thuyết luyện ngục được xây dựng trên nền tảng đức tinh tuyền tuyệt đối của Thiên Chúa. Trong sách Khải Huyền thánh Gioan mô tả vẻ tuyệt vời của thành thánh Thiên Chúa, bằng vàng ròng, tường bằng ngọc trai, ngọc bích, ánh sáng tinh khiết, không do mặt trời mặt trăng phát ra; nhưng Con Thiên Chúa là đèn soi thành. Con Chiên đã bị giết từ khởi đầu thế giới. Chúng ta cũng được biết điều kiện để đựơc vào các cửa thành thánh Giêrusalem trên trời: Tất cả những gì ô uế cũng như bất cứ những ai ghê tởm và ăn gian nói dối, đều không được vào thành, mà chỉ có những người có tên ghi trong sổ trường sinh của Con Chiên mới được vào" (Kh 21,27). Công bằng của Đức Chúa Trời đòi hỏi không một ô uế nào, mà chỉ những tâm hồn thanh sạch mới được đứng trước tôn nhan đấng thánh thiện vô cùng. Nếu không có luyện tội thì sự công bằng của Đức Chúa Trời là điều vô cùng khiếp sợ. Bởi lẽ chẳng ai dám tự xưng là trong sạch và tinh tuyền đủ để ra trước tôn nhan Con Chiên vô tý tích! Các thánh tử đạo đã đổ máu mình trên bãi cát của đấu trường Coloseum để làm chứng cho đức tin của mình chăng? Dĩ nhiên rồi, các nhà truyền giáo như thánh Phaolô đang tiêu hao mình và còn tiếp tục tiêu hao để gieo vãi đức tin chăng? Khá tất nhiên! Các thánh hiển tu trong các đan viện tự hy sinh trên ngọn đồi Calvario vô hình để trở nên các vị tử đạo vô danh chăng? Khá đúng! Nhưng đây là những vị vinh hiển theo luật trừ. Còn hàng triệu triệu linh hồn chết với một chút bợn nhơ trong linh hồn, như đã phạm tội nhưng ăn năn thống hối, nhưng còn một chút yếu đuối cũ đè nặng trên lương tâm?

Ngày mà chúng ta được rửa tội, Hội Thánh đặt trên mình tấm áo trắng và nói: "Con hãy nhận lấy chiếc áo trắng này, là dấu chỉ tước vị của con. Hãy mang nó tinh tuyền cho đến cõi trường sinh". Vậy thì suốt cuộc sống, bao nhiêu người trong chúng ta giữ được tấm áo đó tinh tuyền? Giữ được nó vô tỳ tích để rằng có thể vào thiên đàng lập tức khi chết? Và nhập đoàn với đạo binh áo trắng trước Vua Trời? Bao nhiêu linh hồn khi rời khỏi đời này có can đảm nói rằng họ đã giữ được tấm áo đó không vướng mùi tục lụy? Họ chẳng bao giờ tham lam, phí uổng tài năng, vô nhân, thiếu bác ái, xao lãng bổn phận, không nghe Thánh Thần thúc giục hoặc dùng hư từ mà ai ai cũng phải trả lẽ? Liệu có bao nhiêu linh hồn được thứ tha tội lỗi khi gần chết tựa hoa nở cuối mùa, nhưng vẫn còn mắc nợ tiền khiên? Vết thương đã được chữa lành, nhưng vết sẹo vẫn còn. Xin kể ra những anh hùng quốc gia, tên vẫn còn lưu truyền, việc vẫn còn ghi nhớ, mà đến giờ chết được thanh thản khỏi những thiếu sót nhỏ của cuộc đời mà vào thẳng trước tôn nhan Thiên Chúa? Thử hỏi những ai tin rằng họ được cứu rỗi ngay, mặc dầu họ được yêu mến và kính trọng rất mực? Thí dụ một ai đó giống như George Washington hay Nelson danh tiếng vì chủ nghĩa quốc gia, anh hùng dân tộc, tướng lãnh mặt trận, lại không bị nghi ngờ bất xứng, liền sau cái chết, với chủ nghĩa yêu mến Nước Trời? Nơi mà Hy Lạp hay Do Thái, nô lệ hay tự do, man rợ hay văn minh đều nên một trong Đức Kitô Chúa chúng ta?

Tất cả những linh hồn này, chết trong tình yêu Thiên Chúa, đều tốt đẹp cả. Nhưng nếu không có luyện ngục, thì làm sao các thiếu sót nhỏ của họ được tẩy rửa? Chẳng lẽ phép công thẳng của Thiên Chúa ném tất cả xuống địa ngục, chung kiếp với tội nhân nặng nề khác? Xóa bỏ luyện ngục đi và Thiên Chúa sẽ không dễ dàng tha thứ. Bởi lẽ, liệu môït hành động ăn năn trước khi chết, có đền đáp thỏa đáng 30 năm ăn ở hoang đàng? Xóa bỏ luyện ngục đi và phép công thẳng vô cùng của Thiên Chúa sẽ khước từ thiên đàng cho những linh hồn quyết tâm đền tội, nhưng chưa kịp trả hết đồng xu cuối cùng! Luyện ngục là nơi tình yêu bao la của Thiên Chúa chế ngự công lý của Ngài, bởi vì, ở đấy Ngài tha thứ, Ngài làm sạch những linh hồn bằng công nghiệp thập giá của mình, đẽo gọt họ với cái đục khổ đau, để họ trở nên xứng hợp với thành thánh Gierusalem trên trời. Như vậy,Thiên Chúa nhận chìm họ vào nơi thanh luyện để họ giặt trắng lại chiếc áo rửa tội, ngõ hầu xứng hợp với Thiên Cung trong sạch và sáng láng, phục sinh họ như con chim phượng hoàng của cổ tích ngày xưa, trỗi dậy từ đống tro tàn đau khổ và sau khi các vết thương đã được lành mạnh, thì phóng thẳng lên không trung tới thành thánh tinh tuyền, nơi Đức Kitô là vua, đức Maria là hoàng hậu. Bởi lẽ, dù chỉ mắc một lỗi nhỏ thôi, Thiên Chúa cũng không thể tha thứ, mà không có xót xa, không có nước mắt. Nhưng khi đã vào Thiên đàng thì chỉ còn yêu thương!

Đa phần nhân loại, dù đàn ông hay đàn bà, ít khi ý thức về bất công, vô ơn, bội bạc trong cuộc sống cho tới khi lưỡi hái lạnh lùng của tử thần chạm tới người họ thương yêu. Chỉ lúc ấy họ mới tỉnh ngộ và hối hận nhận ra mình đã qúa thiếu sót tình yêu và tử tế đối với người qúa cố. Vì vậy một trong những lý do người ta cảm thấy cay đắng và xót xa cho thân phận người đã chết, vì những lời yêu thương chưa được nói, những việc tử tế chưa được làm: " Đứa trẻ đó chẳng bao giờ biết tôi yêu mến nó biết bao!" "Nó chẳng khi nào biết tôi đã yêu qúi nó!" Tôi không nhận ra nó quý báu tôi, cho đến khi nó qua đời". Những lời tương tự tựa như mũi tên tẩm thuốc độc thần chết cắm thẳng vào tim chúng ta khi đối diện với cái chết của người thân yêu. Ôi, nếu như người qúa cố trở về, chúng ta sẽ hành động khác đi biết mấy, đầy yêu thương và nhân ái! Giờ đây nước mắt có chảy ra cũng vô ích trước đôi mắt không thể nhìn được nữa! Cử chỉ yêu thương cũng bằng không, trước đôi tay chẳng thể ôm ấp. Lời thở than đi vào mây gió, trước trái tim chết cứng, đôi tai không nghe! Ôi! Nỗi thống khổ vì đã không tặng hoa khi còn sống. Không dâng hương khi còn ngửi được! Không nói lời yêu thương khi còn nghe. Bây giờ bốn bên im lặng như tờ, một thân nằm đó trơ trơ như đồng! Ôi! Đau đớn dâng cao khi nghĩ không còn cách nào đền bù những sai lỗi đối với người chết, những âu yếm giả dối đối với họ, những khinh thường khi họ nài nỉ, những hỗn xược khi họ chăm lo, những bất kính khi họ yêu thương. Họ là những người dấu yêu nhất trong cuộc đời mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta! Thiên địa ơi, trễ qúa rồi, trễ qúa rồi! Những kỷ niệm xót xa, vô ích, những giọt nước mắt muộn màng. Nó giống như hạt sương mỏng cho mùa màng năm trước, cái bẫy cho con chim đã bay xa, hay thu lượm hoa hồng đã héo!

Luyện tội là nơi tình yêu Thiên Chúa chế ngự phép công thẳng của Ngài. Nhưng cũng là nơi tình yêu con người đền bù bất công con người gây nên. Bởi vì, nó đem khả năng cho những trái tim còn sống bẻ gẫy rào cản thời gian và sự chết để đổi những lời chưa kịp nói thành cầu nguyện, nén hương chưa kịp đốt thành hy sinh, bó hoa chưa kịp dâng thành của bố thí, hành động tử tế chưa kịp thi hành trở nên nguồn trợ giúp đời đời cho các linh hồn đã khuất. Xóa bỏ luyện ngục đi, bạn sẽ cảm nghiệm xót xa vì hà tiện những lời tử tế của mình khi họ còn sống, bạn sẽ cảm thấy cay đắng vì lãng quên họ khi họ còn ở trên dương gian. Xóa bỏ luyện tội đi và những bia kỷ niệm, lễ cầu hồn chẳng còn ý nghĩa nào khi chúng ta viếng thăm nghĩa trang hay xin lễ nhớ đến họ! Xóa bỏ luyện ngục đi và chúng ta sẽ thấy vòng hoa kính viếng, nén nhang cúi đầu và những phút yên lặng tưởng niệm rỗng tuếch. Nhưng nếu có luyện ngục, lập tức, cúi đầu kính viếng nhường chỗ cho bái gối cầu nguyện, giây phút yên lặng trở thành khẩn khoản nài xin và vòng hoa đang héo cho rực rỡ hy sinh dâng lên vị anh hùng trên hết mọi anh hùng, Chúa Giêsu Kitô.

Như vậy, luyện ngục cho chúng ta khả năng đền mọi thứ tội, mọi thứ vô ơn. Bởi lẽ qua cầu nguyện hy sinh, hãm mình chúng ta mang niềm vui, an ủi đến cho các linh hồn. Người ta thường nói: Tình yêu mạnh hơn sự chết. Cho nên chúng ta phải có tình yêu mãnh liệt cho những linh hồn ra đi trước. Chúng ta là con cháu của họ, phát sinh từ sự sống họ, hoa qủa của khó nhọc họ, là âu lo của trái tim họ. Vậy thì thần chết có thể cắt đứt lòng biết ơn của chúng ta? Liệu nấm mồ có khả năng chấm dứt lòng chúng ta yêu mến họ không? Liệu mô đất lạnh lùng có phép tắc ngăn cản chúng ta sửa chữa những vô ơn? Hội Thánh luôn bảo đảm với các tín hữu rằng, mặc dù đời này không có khả năng đền đáp, bởi lẽ họ không ở đời này nữa, nhưng chúng ta vẫn có thể xuyên qua thế giới này mà đến với họ, trợ giúp họ khỏi bàn tay công lý của Thiên Chúa bằng tình yêu bền vững, cầu nguyện và hy sinh cho họ, mua sắm cho họ ơn cứu độ muôn đời bằng cái giá lòng thương xót Thiên Chúa.

Chúng ta so sánh một người đàn ông mắc nợ mà chết. Chủ nợ chúc dữ ông ta cho đến bên kia nấm mồ. Nhưng nếu con ông ta lao động khó nhọc trừ hết nợ cho ông đến đồng xu cuối cùng thì tên ông được phục hồi, danh dự ông được kính trọng như cũ. Cũng vậy các linh hồn bạn hữu chúng ta chết mà còn mắc nợ đền tội với Thiên Chúa sẽ được thứ tha, nếu chúng ta giúp đỡ họ bằng những hy sinh hàng ngày, giống như những đồng vàng đồng bạc trần thế mà mua lấy nước Thiên đàng cho họ. Họ đi vào những đau đớn Chúa định, giống như vàng còn bẩn phải chịu ngọn lửa tình yêu Chúa tẩy rửa hết mọi bợn nhơ. Những linh hồn qua đời trong ơn nghĩa Chúa, nhưng còn bị thương tích trong trận chiến với ma qủi để được sống đời đời, lúc này không thể tự băng bó vết thương mình được nữa, thì bổn phận của chúng ta, những người khoẻ mạnh và lành lặn, vận y phục chiến đấu để giành thắng lợi cho Đức Kitô, phải chữa lành các vết thương cho họ, để họ được khỏe mạnh mà họp đoàn với những kẻ chiến thắng, diễu hành với các anh hùng khác mà mừng Vua Kitô khải hoàn. Chúng ta chắc chắn rằng một xu nhỏ bánh ăn cung cấp cho kẻ đói nghèo, có khả năng cứu thoát một linh hồn về bàn tiệc thiên cung, thì linh hồn ấy chẳng quên chúng ta khi vào nước trời.

Tuy rằng đang bị cầm hãm trong lửa đền tội, nhưng các linh hồn hằng nghe thấy tiếng kêu gọi của các thiên thần, các thánh mời họ về quê trời. Nhưng họ bất lực không bẻ gẫy được xiềng xích tội khiên, bởi thời gian lập công đã hết. Cho nên, Thiên Chúa không thể quên những công nghiệp của người vợ trung thành, đền thay cho chồng qúi yêu đang bị giam hãm trong luyện ngục. Chắc hẳn lòng thương xót của Thiên Chúa không để Ngài quên lãng công nghiệp của người mẹ dâng hiến cho con yêu dấu của mình để giải phóng nó khỏi vết nhơ tội lỗi trần gian. Chắc chắn rằng Thiên Chúa không cấm đoán tín điều các thánh cùng thông công. Người sống cầu nguyện cho kẻ qua đời. Bởi lẽ hành động vĩ đại của việc cứu chuộc được xây dựng trên tính phổ cập của công nghiệp. Nhờ đó chúng ta đáp trả lời cầu cứu, không những của thân nhân, bạn bè mà tất cả mọi thành phần trong Giáo hội. Một đạo binh đông đảo các linh hồn còn đang mắc nợ cuộc sống, nhưng đã sẵn sàng vận hoàng bào, xếp hàng đợi vào nước trời, kêu to lên chúng ta xin cầu nguyện và công nghiệp đền bù, "xin thương xót tôi, xin thương xót tôi, hỡi các bạn, vì tay Thiên Chúa còn đè nặng trên linh hồn tôi".

Nếu có vấn đề nào hóc búa, khó nghe nhất cho con người tân thời ngày nay, thì phải là sự hiện hữu của hỏa ngục. Thế hệ chúng ta to tiếng đòi hỏi điều mà một thi sĩ đã gọi: "Người thày dạy dịu dàng, chẳng bao giờ nhắc đến hỏa ngục cho những người lịch sự". Thời đại duy vật muốn một Kitô Giáo mền yếu hơn, ngõ hầu rao giảng Phúc âm Chúa Giêsu Kitô mà chỉ còn là học thuyết dịu dàng của thiện chí, một chương trình xã hội tiến bộ của khoa học, kinh tế, chính trị và nhân bản.

Có nhiều lý do gây nên não trạng này, não trạng không tin vào hỏa ngục nữa. Một trong những lý do đó là tâm lý. Nếu một người ăn ở trác táng, hắn không muốn ai khuấy động cuộc sống xấu xa của mình bằng những từ ngữ như công bằng, chính trực, thiên đàng, hỏa ngục... Hắn ước mong chẳng có hình phạt nào cho các hành động gian ác của mình. Vì vậy hỏa ngục là từ nghịch nghĩ, khó nghe. Từ đó họ muốn hỏa ngục không tồn tại, hoặc chỉ là ý niệm hồ đồ tưởng tượng. Ngược lại, các linh hồn đạo đức không khi nào chối bỏ nó, nhưng chỉ sợ hãi mà thôi. Lý do thứ hai, một số người lẫn lộn các hình ảnh của thi sĩ, văn sĩ, họa sĩ với thực tế thô kệch của học thuyết luân lý. Sự thật vĩnh cửu không luôn dễ diễn tả bằng biểu tượng, bằng văn hóa không gian và thời gian. Nhưng đó không phải là lý do để từ chối hỏa ngục, cũng như chúng ta không có lý do để xóa bỏ nước Mỹ bởi vì nó được tượng trưng bằng một phụ nữ cầøm lá cờ đỏ, trắng và xanh.

Lý do cuối cùng, là vì học thuyết hỏa ngục thường được tách khỏi toàn khối sự thật của Thiên Chúa giáo. Khi tách ra khỏi những quan niệm về tội lỗi, tự do, nhân đức, công bình, cứu chuộc, tức thời nó trở nên vô lý. Tương tự như con mắt lấy khỏi thân thể. Tính lý luận của não trạng này nằm ở sự kiện là khi không tin vào sự độc ác của tội lỗi, người ta cũng không tin sự hiện hữu của hoả ngục nữa, Hội Thánh không hề thay đổi một chữ trong niềm tin của mình về hỏa ngục đời đời như Chúa Giêsu đã dạy. Đấng cứu chuộc nhân loại và là Thiên Chúa chúng ta, chỉ bảo rằng hỏa ngục là sự đòi hỏi của công lý, đồng thời là đòi hỏi của tình yêu. Giáo hội luôn trung thành với mạc khải ấy.

Trước hết, khi nhận thức rằng thế giới luân lý được dựng trên nền tảng công lý, thì cũng phải công nhận sự cần thiết của đền trả sau nấm mồ. Những ai còn lương tri đều thừa nhận rằng không thể bao dung ý tưởng tội nhân không ăn năn, kẻ giết người chưa hối hận khi chết, lại có thể thoát công lý một cách vẻ vang. Chẳng lẽ anh hùng tử đạo lại cùng chung số phận với các bạo chúa truyền giết hại mình? Thánh Phaolô, Hoàng đế Nêro, tông đồ phản bội Giuđa và Chúa Giêsu đồng hàng đồng vị hay sao? Nếu có một sự thiện tuyệt đỉnh nào mà người ta phải đạt tới, bằng cố gắng can đảm anh hùng, thì điều theo sau là người ta có nguy cơ làm mất hạnh phúc mình do thái độ nhát đảm ươn lười. Thiên Chúa đã ban cho loài người sự sống vĩnh cửu, hạnh phúc đời đời, nhưng phải đoạt lấy bằng chiến thắng, thì điều theo sau cũng có nguy cơ thất bại không đạt tới, do ngu xuẩn của mình.

Ngay trong thế giới tự nhiên, người ta cũng khám phá ra qui luật đền bù xứng đáng, ngay cả trừng phạt những lạm dụng. Thế giới vật lý có định luật rằng bất cứ hành động nào cũng có phản ứng ngược lại, cân bằng với lực bỏ ra. Thí dụ: Tôi kéo căng một dây cao su, nếu kéo ra năm phân nó sẽ co lại năm phân; một gang, nó sẽ co lại một gang; một thước, nó sẽ đàn hồi một thước; vài ba thước, lực tương đương đẩy lại cũng vài ba thước, cho đến khi tới giới hạn nào đó tôi không kéo được nữa hoặc nó đứt làm đôi, ba…. Vậy ở thế giới tự nhiên có luật bù trừ như vậy, quá lạm dụng nó sẽ trừng phạt. Luật này có phản ánh trong thế giới luân lý. Mỗi tội đều có hình phạt cho tội ấy, không có luật trừ. Tội là gì? Nếu không phải là hành động vi phạm trật tự luân lý nào đó? Có ba trật tự mà con người vi phạm: Trước hết, trật tự lương tâm cá nhân. Thứ hai, trật tự tổng hợp các lương tâm, tức nhà nước. Thứ ba nguồn gốc của các trật tự ấy: Đức Chúa Trời. Nếu tôi phạm tội chống lương tâm mình, tất yếu có phản ứng chống lại tôi ở hình thức lương tâm cắn rứt. Hình thức này thay đổi tùy vào sự nặng nhẹ của tội. Nếu tôi hành động chống lương tâm tập thể tức nhà nước. Tôi sẽ chịu hình phạt của chính phủ, cân bằng với tội tôi đã phạm. Tòa án sẽ xét xử tôi và tuyên bố hình phạt có thể là phạt tiền, hành chính hay bỏ tù, thậm chí tử hình, theo mức độ nghiêm trọng. Xin lưu ý, hình phạt không tính theo độ dài thời gian mà tính theo bản chất của tội phạm. Chỉ cần vài giây đồng hồ để phạm tội giết người, và hình phạt thường thường là tử hình. Cuối cùng phạm tội chống Thiên Chúa. Việc này xảy ra khi tôi vi phạm trật tự lương tâm cá nhân hay tập thể tức nhà nước. Tôi đã hành động trái với Đấng vô biên. Để chống lại tội này, buộc có phản ứng từ Đấng công thẳng tối cao, phản ứng từ sự thật vô cùng, có tính chất cũng vô biên. Tất nhiên phản ứng vô biên của Thiên Chúa sẽ là chia cắt vĩnh viễn khỏi tình yêu của Ngài. Sự chia cắt này nếu dùng ngôn ngữ hôn nhân là ly dị. Linh hồn ly dị một cách vĩnh viễn khỏi sự thật, sự sống và tình yêu cho đến đời đời. Trạng thái này gọi là hỏa ngục.

Vì vậy điều rõ ràng là sự trừng phạt đời đời không phải là hồ đồ tưởng tượng của các nhà thần học, nhưng là lực phản ứng tất yếu của tội lỗi. Chúng ta thường coi nó như ý nghĩ sau cùng của Thiên Chúa về công lý và liên hệ nó với tội lỗi như sự đánh đòn đứa trẻ vì không vâng lời bố mẹ. Không đúng vậy. Việc đánh đòn đứa trẻ không có tính cách bắt buộc, và cũng không cần thiết là sự trừng phạt của tội không vâng lời. Nó có thể là hậu qủa của hành động không vâng lời. Nhưng cũng có thể không. Đúng hơn chúng ta so sánh hỏa ngục như bệnh ù mắt nơi con người. Việc chúng ta móc mắt bỏ đi liên quan tất yếu tới bệnh mù. Cũng vậy đời sống tội lỗi không ăn năn tất yếu đưa tới hỏa ngục. Việc trước đương nhiên đưa tới việc sau. Đời sống là thời vụ mùa màng. Người ta chỉ gặt được những gì đã gieo. Nếu gieo tội lỗi, sẽ gặt thối nát, nếu gieo việc lành của Thần khí, sẽ gặt đời sống trên thiên đàng.

Giáo lý của Chúa chúng ta đòi hỏi công lý. Học thuyết của Ngài không chỉ là Tin Mừng mị dân, Phúc âm của tính lãnh đạm, mà là lựa chọn nghiêm khắc, giống như cuộc đời Ngài không chỉ là thái độ tốt bụng tình cảm, mà là hình phạt của tội lỗi nhân gian, hình phạt ấy khủng khiếp ra sao là điều rõ ràng mọi người đều biết cả. Ngài đã chỉ ra nhiều cá nhân đã thực hiện công việc đáng ghê tởm và Ngài cũng chẳng hề bảo đảm mọi người lắng nghe giáo lý của Ngài. Ngài không thành công với hết mọi linh hồn trên dương gian này. Nguyên việc Chúa đổ hết máu mình để cứu chuộc chúng ta khỏi tội lỗi, đã nói lên rằng tội lỗi sẽ đưa đến hậu quả ghê gớm là hỏa ngục. Xin nhớ lại Phúc âm thánh Matthêu đoạn 25: "Người sẽ tách biệt họ ra, như mục tử tách biệt chiên khỏi dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải, còn dê ở bên trái. Đức vua phán cùng những người ở bên phải rằng: Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng vương quốc Cha Ta đã dọn sẵn cho các ngươi từ thuở tạo thiên lập địa, vì xưa Ta đói các ngươi đã cho Ta ăn, Ta khát các ngươi đã cho Ta uống. Ta là khách lạ các ngươi đã tiếp rước… Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi, mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy. Rồi đức vua phán cùng những người bên trái rằng: Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt ta, mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Aùc quỉ và sứ giả của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn, Ta khát các ngươi đã không cho uống, Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước…Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé mọn nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính ta vậy. Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời." Những lời trên thốt ra từ miệng Con Đức Chúa Trời, là chính sự thật vĩnh cửu. Cho nên, khó mà hiểu được tại sao có những người dù biết và chấp nhận sự thật, chấp nhận lời Ngài nói về thiên đàng, lại khăng khăng từ chối sự hiện hữu của hỏa ngục. Nếu Ngài chân thật về giáo lý thiên đàng, tại sao Ngài lại không chân thật về học thuyết hỏa ngục? Cho nên thiên hạ điên nhiều lắm!

Chẳng những công lý của Thiên Chúa đòi hỏi hỏa ngục. Nó còn đòi hỏi tình yêu nữa. Những ai không biết hỏa ngục liên hệ với tình yêu của Đức Chúa Trời sẽ đưa ra nghi vấn như sau: "Làm thế nào Thiên Chúa tình thương lại dựng nên một nơi trừng phạt vĩnh cửu ghê gớm đến vậy?" Nghi vấn này tương đương với câu hỏi: Tại sao Thiên Chúa của tình yêu lại là Thiên Chúa của công lý? Tại sao mặt trời sưởi ấm nhẹ nhàng lại làm cây cỏ héo khô? Tại sao mưa sương tươi tốt hoa màu lại làm cho thối rữa cỏ cây. Như vậy những ai không kết hiệp được Thiên Chúa tình yêu với hỏa ngục, không thể hiểu ý nghĩa của tình yêu. Không có chi ngọt ngào hơn tình yêu. Nhưng cũng không có chi cay đắng hơn nó. Nó liên kết linh hồn mà cũng chia rẽ linh hồn. Tình yêu đòi hỏi tính hỗ tương, tìm kiếm đối tượng và khi đã gặp được đầy đủ điều kiện, thì phải có hòa hợp, thâm nhập và liên kết đến mức độ tột đỉnh và ngất ngây. Ở trường hợp Thiên Chúa và linh hồn thì hạnh phúc là thiên đàng. Nhưng giả dụ tình yêu không tìm được đối tượng hoặc giả dụ tìm được đối tượng để rồi bị phản bội, khinh thường và từ khước. Liệu lúc ấy tình yêu vẫn còn khả năng tha thứ? Sự thật tình yêu nhân loại sẵn sàng tha thứ những xúc phạm như hỗn hào, cay độc, phản bội và tình yêu Thiên Chúa còn đi xa hơn tới bẩy mươi lần bẩy. Nhưng thế giới này chỉ có một trường hợp mà tình yêu nhân loại không tha thứ được nữa và trên thiên đàng cũng có một hoàn cảnh không thể tha thứ được. Đó là khước từ yêu mến. Khi ấy linh hồn tự do chối từ đáp trả tình yêu Chúa ban. Đức Chúa Trời để mặc linh hồn theo ích kỷ, theo sự cô đơn và côi cút của riêng mình. Đúng là một hình phạt ghê sợ, không có chi trên thế giới có thể so sánh với tình trạng bị Thiên Chúa bỏ rơi. Không phải bị vật đáng yêu bỏ nhưng bởi chính tình yêu, là Thiên Chúa.

Tình yêu có thể tha thứ hết mọi sự trừ một điều. Đó là từ chối tình yêu. Trái tim con người luôn theo đuổi đối tượng và kiếm tìm sự âu yếm của nó với tất cả sự trong sáng và nhiệt tâm. Nó mưa móc trên người yêu, nào là qùa cáp, tặng phẩm làm dấu chứng hy sinh của lòng mình và ăn ở xứng đáng với các cử chỉ yêu dấu người yêu đáp trả, nhưng nếu sau thời gian dài, nó chỉ nhận được khinh bỉ, khước từ và phản bội, trái tim con người ta ngoảnh mặt đi, cay đắng buông thả những cảm xúc, theo định luật tự nhiên của tình yêu mà la lên: "Tình yêu đã làm hết mọi sự. Tôi có thể thứ tha mọi sự trừ sự từ chối tình yêu". Trong trật tự thiêng liêng cũng xảy ra hoàn cảnh như vậy. Thiên Chúa là người yêu vĩ đại đang tìm kiếm đối tượng yêu mến của Ngài. Đó là linh hồn con người. Ngài tưới gội nó với muôn vàn ân huệ, đoái nhận nó vào gia đình vương giả của Ngài trong bí tích Thanh tẩy, vào đạo binh của Ngài trong bí tích Thêm sức và kêu mời nó vào bàn tiệc yêu thương tức bí tích màu nhiệm Mình Máu Ngài, Bánh Trường Sinh. Suốt cuộc hành trình dương thế của con người, Ngài đã muôn ngàn lần thủ thỉ với nó, lúc bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, trong đau đớn cũng như vui mừng, đáp trả lời khẩn khoản của Ngài, từ bỏ tội lỗi, trở về với tình yêu đắp đổi. Nhưng nếu như con người với trái tim chai đá, từ chối yêu mến Ngài, mặc dù Ngài kiên nhẫn đợi chờ, ngõ hầu lại được Ngài kêu gọi lần nữa, nhưng lần nữa lại chối từ, làm ngơ những tiếng gõ cửa của Chúa Kitô. Linh hồn vẫn khăng khăng không mở cửa. Cuối cùng, ở khoảnh khắc lìa đời, không còn khả năng ăn năn trở lại, vẫn khinh dể, từ khước và phản bội lòng nhân lành của Đức Chúa Trời, lúc ấy Thiên Chúa của lòng thương xót luôn theo định luật yêu mến mà tuyên bố với linh hồn: "Tình yêu đã làm hết khả năng, Ta có thể tha thứ mọi sự trừ sự từ chối yêu mến". Và như vậy chấm dứt mọi yêu thương. Thật là khủng khiếp. Bởi lẽ tình yêu Thiên Chúa lúc ấy rời bỏ linh hồn, và không bao giờ trở lại nữa. Linh hồn hoàn toàn cô đơn cho đến muôn đời. Hỏa ngục vĩnh hằng là vậy. Nó là nơi hoàn toàn vắng bóng tình yêu.

Thời gian là một yếu tố làm cản trở chúng ta hưởng hạnh phúc thiết thực. Lý do đơn giản là nó không cho phép chúng ta xây dựng một nhóm nhiều khoái lạc đồng thời. Do chính bản tính của mình, nó cấm chúng ta hưởng nhiều vui thú cùng lúc, bằng không, chúng ta chẳng có vui thú nào hết. Nguyên việc tôi tồn tại trong thời gian, cho nên, tôi không thể kết hợp vui thích đi bộ với các cận vệ gia của Hoàng đế Napolêon và cái thú đánh chiếm dưới ngọn cờ của vua Caesar (hai vị vua này sống cách nhau hơn 2000 năm). Nguyên việc chúng ta sống trong thời gian, tôi không thể cùng lúc vui hưởng cái thú chơi thể thao mùa đông tại dãy núi Alps và tắm dòng nước mát mẻ của sông Riviera. Thời gian không cho phép tôi đồng thời cảm khoái, khi nghe Demonsthenes hùng biện, và giọng nói ngọt ngào của Giám Mục Bossuet trên tòa giảng. Thời gian không cho phép tôi kết hợp sự khôn ngoan của tuổi già và sự sôi nổi của tuổi trẻ. Cũng chính thời gian ngăn cản tôi vui hưởng cùng lúc, sự thông thái từ miệng các hiền triết, giải thích bí mật vũ trụ như Aristotes, Socrates, Thomas Aquinô, Mercier... Nếu không vì ngăn trở của tính thời gian, thì tôi đã có thể cùng lúc uống trà với Dante và Shakespeare. Homer ngay lúc này có thể kể truyện anh hùng ca bằng Anh ngữ. Đúng là rất thú vị khi được hưởng tiến bộ kỹ thuật, máy móc của thời hiện tại. Nhưng đôi khi, tôi lại ước mơ những khoảnh khắc yên tĩnh và an bình của thời trung cổ. Tuy nhiên tính thời gian không cho phép. Nếu tôi sống vào thế kỷ 20, tôi phải hy sinh những khoái lạc của thế kỷ 13 và nếu tôi hưởng kỷ nguyên Athens của Pericles thì tôi phải bỏ thời Florentine của Dante.

Cho nên tính thời gian đã ngăn cản chúng ta tập hợp nhiều thú vui trong cùng lúc. Tôi biết có mẫu quảng cáo trên báo chí về ăn tối và nhảy đầm. Nhưng tôi chỉ có thể dự một trong hai họat động đó thôi. Mọi điều đều tốt cả nhưng chẳng thể vui hưởng nó, nếu chưa đến thời vụ. Và nó luôn luôn nhuốm màu ân hận, vì tính thời gian đòi hỏi phải khước từ cái khác. Thời gian cho tôi cơ hội, nhưng cũng lấy đi nhiều cơ hội khác. Khi cống hiến, nó cống hiến đơn độc, và vì thế ngươì ta nói rằng cuộc đời là một chuỗi những ngu xuẩn, ngu xuẩn này theo sau ngu xuẩn khác.

Tư tưởng trên gợi ý rằng nếu tính thời gian làm cho việc kết hợp đồng thời các vui sướng là không thể được, thì tính vượt thời gian sẽ làm cho hạnh phúc của chúng ta tăng lên gấp bội. Điều này đúng cho mỗi khao khát của chúng ta. Khi khao khát, chúng ta muốn nó luôn đứng ở "hiện tại". Thí dụ như, con mèo muốn nằm lửa mãi mãi. Tất cả mọi người đều ước ao kéo dài vui thích của mình vô hạn định. Chúng ta muốn hạnh phúc vĩnh viễn, chứ không phải vui thích này kế tiếp vui sướng kia.

Xin khui lại kho tàng trí nhớ, bạn sẽ tìm ra vô vàn chứng cớ rằng luôn luôn trong những khoảnh khắc mà bạn ít ý thức về thời gian, là những lúc bạn thưởng thức hoàn toàn nhất các khoái lạc của thời gian. Thí dụ, nhiều lần xẩy ra rằng khi nghe các cuộc đối thoại thú vị, hay truyện kể về kinh nghiệm của các người du ngoạn nhiều, thì thời gian trôi qua nhanh chóng đến nỗi không còn ý thức về nó, và chúng ta thường nói: "Như hóng câu qua cửa sổ". Kinh nghiệm này cũng đúng về sảng khoái của mỹ thuật nữa, tôi dám khẳng định rằng rất ít người nhận biết thời giờ trôi đi, khi say mê nghe ban nhạc danh tiếng chơi các bản hòa tấu của Beethoven. Tùy theo mức độ vui thú mà các bản giao hưởng ấy gây nên cho người ta, mà thời gian trở nên dài hay ngắn. Sự thật ngược lại vẫn đúng. Nếu chúng ta càng chú ý đến thời gian, thì xem ra nó càng dài và mức độ chúng ta hưởng vui thú càng kém. Nếu người khách cứ năng nhìn đồng hồ, đó là dấu chỉ ông ấy đang chán câu chuyện của chúng ta. Một người lao động thỉnh thoảng lại nhìn giờ giấc, thì nắm chắc hắn không thích công việc của mình. Chúng ta càng chú ý đến thời gian, càng ít được hưởng vui thích. Ngược lại, càng không để ý đến tính mau qua của thời gian, càng được hưởng vui sướng nhiều hơn.

Những sự kiện tâm lý của kinh nghiệm nói lên rằng tính thời gian không những cản trở khoái lạc, nó còn cho hay nếu thoát khỏi thời gian, thì hạnh phúc của chúng ta to lớn hơn nhiều! Bây giờ chúng ta giả dụ các kinh nghiệm tâm lý trên vượt ra ngoài thời gian và các hạn chế của thời gian, sống trong một không gian không có trước sau, mà chỉ có hiện tại. Giả dụ chúng ta có phép tồn tại ở một thế giới không lịch sử theo thời gian mà lịch sử của các khoái lạc tập hợp, nghĩa là một trật tự phẩm trật hoàn hảo, giống như một kim tự tháp, mọi sự trong đó phục vụ vẻ thống nhất của nhân cách chúng ta. Lại giả dụ chúng ta có thể đạt tới điều kiện không thời gian. Điều kiện cho phép chúng ta gút lại hạnh phúc, vui sướng, vẻ hoàn mỹ vào ba yếu tố căn bản làm nên sự trọn lành của con người, là đời sống, chân lý và tình yêu. Bởi vì, mọi vui sướng của con người hội tụ vào ba yếu tố này:

Trước hết, xin giả dụ rằng tôi có khả năng thâu gom các vui thú của cuộc sống vào một điểm duy nhất, đến nỗi trong hiện tại không phải phiền toái đến trước và sau. Lúc ấy tôi sẽ vui hưởng cuộc sống cực độ, giống như sống trong nước đại dương, mọi sự đều yên tĩnh an bình. Đồng thời cuộc sống trào dâng như các dòng suối lượn quanh đồi núi, rồi lững lờ chảy vào biển khơi. Cuộc sống êm ả khiêu khích đất màu mỡ hai bên bờ suối trổ sinh những bông lưu ly tuyệt đẹp. Cuộc sống đập nhịp nhàng trong những cánh hoa mùa xuân nở rộ, như những chiếc nôi đong đưa cho quả ngọt. Cuộc sống của các đài hoa mở ra như những chén rượu thơm nức mùi hương dưới nắng mặt trời. Cuộc sống của những đàn chim lớn líu lo báo tin vui mừng. Cuộc sống của những trẻ nít la hét chạy vào vòng tay mẹ. Cuộc sống của các bậc phụ huynh sản sinh những cuộc đời như mình. Cuộc sống của những trí tuệ giải thích nhiệm màu vũ trụ bao la, của không gian vĩnh cửu từ đấy phát sinh mọi loài...

Thêm vào sự hội tụ đời sống trong vũ trụ chỉ trong một điểm, tôi giả dụ mình cũng tập trung vào điểm khác nữa. Đó là hết mọi chân lý của thế giới dồn vào một sự thật duy nhất, đến độ tôi có thể thông suốt các sự kiện thiên văn của các khoa học gia khi họ nhìn vào viễn vọng kính, các sự kiện sinh vật của các nhà nghiên cứu sinh vật qua kính hiển vi, các chân lý về trời đất, ai đóng cửa trời, ai thả mây buông gió, ai trữ mưa, tích gió. Sự thật về cuộc sống thường nhật như tại sao có lửa, tại sao có vàng, tại sao có đất sét, tại sao có Thần Khí, tại sao lửa bay lên trời, đá rơi xuống đất? Sự thật của các triết gia dùng trí khôn mà xé nát càn khôn, bánh xe định mệnh. Sự thật của các nhà thần học khi họ dùng mạc khải mà khám phá các bí mật của Đức Chúa Trời, Đấng vượt cả những điều Gioan nghe khi ông dựa đầu vào ngực Chúa trong bữa tiệc ly.

Ngoài hai điểm hội tụ kể trên, chúng ta còn một điểm tập trung của mọi vui sướng trong cuộc đời nữa, là tình yêu. Giả dụ mọi hạnh phúc, sảng khoái, mỹ cảm, sướng vui của cuộc đời và của vũ trụ hội tụ về một tiêu điểm duy nhất là tình yêu: Tình yêu tổ quốc, tình yêu anh hùng vì chính nghĩa, tình yêu say mê khoa học, tình yêu mỹ miều của hoa lá cười tươi dưới ánh mặt trời, tình yêu địa cầu, muôn loài uống sữa sự sống của nó, tình yêu mẫu tử, mở rộng lòng cho con hưởng ánh dương, tình yêu bầu bạn kiểu Bá Nha Tử Kỳ thân thiết đến tận cùng cõi lòng, tình yêu phu phụ, chồng yêu vợ, vợ yêu chồng, ngay cả tình yêu của các thiên thần và thiên sứ say mến Chúa, với ngọn lửa và sức nóng đủ đốt ngàn vạn trái tim tới triệu triệu lần.

Cuối cùng giả dụ tất cả những khoái lạc này của thế giới tập trung về ba mối: cuộc sống, sự thật và tình yêu, tựa như những tia nắng tập trung về mặt trời. Giả dụ tất cả vui sướng liên tiếp của thế gian này trong thời gian có khả năng được vui hưởng lập tức trong cùng một khoảnh khắc hiện tại. Lại giả dụ cả ba điểm hội tụ mà trái tim, linh hồn, tâm trí chúng ta hướng về, không phải là ba điểm trừu tượng như tôi giả dụ ở trên, nhưng là cụ thể duy nhất, cụ thể cá vị đến nỗi chúng ta có thể gọi bằng tên là Thiên Chúa Cha, từ đấy sản sinh mọi sảng khoái của sự thật, cũng không trừu tượng, nhưng cụ thể cá biệt đến nỗi có một tên là Ngôi Hai, hay Ngôi Lời, từ hai nguyên lý ấy tình yêu phát xuất, tình yêu tâm điểm của mọi khoái cảm yêu đương, cũng không trừu tượng, màø cụ thể đặc thù để chúng ta gọi bằng tên, tức Ngôi Ba hay Chúa Thánh Thần. Một khi hạnh phúc trần gian được nâng lên độ cao cả ngần ấy. Nó sẽ thoát khỏi mọi hạn chế, mọi bất toàn mà kết hợp thành duy nhất, không phải kế tiếp nhau mà là đồng thời vĩnh viễn, không phải trong thời gian mà ngoài thời gian gọi là vĩnh hằng. Lúc ấy chúng ta có từ Thiên Chúa Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần. Sự Sống hoàn hảo nhất, sự Thật cao siêu nhất và Tình yêu viên mãn nhất. Hạnh phúc tuyệt vời. Thiên đàng cực lạc.

Liệu chúng ta có thể so sánh các thú vui trần gian với hạnh phúc Ba Ngôi là sự sống, chân lý và tình yêu muôn thuở không? Liệu có ai ở dương thế này có khả năng nói cho tôi hay về thiên đàng? Chắc là không. Nhưng có ba cơ quan có thể nói cho tôi hay chút ít về hạnh phúc ấy. Ba yếu tố đó là những gì chúng ta xem, những gì nghe được và tưởng tượng. Tức là con mắt, lỗ tai và trí khôn. Liệu thiên đàng có vượt qua tất cả các vui thú của con mắt? Vượt qua mọi êm ái của lỗ tai? Và vượt trên các tưởng tượng? Trước tiên, liệu thiên đàng có tuyệt xinh đẹp như tất cả những điều đã được con mắt xem thấy? Trong đời tôi đã từng được xem lâu đài quốc gia ở Rôma. Nó đẹp tuyệt trần, với lối đi hành lang và hàng nguyệt quế huy hoàng, với các đại lộ tùng bách xinh tươi. Tất cả đều toát lên một sức sống của bầu khí yên lặng thanh thản. Tôi đã từng được ngắm hoàng hôn trên địa trung hải, khi hai cột mây hợp thành một cầu vồng cho vầng kim ô ngự giữa, sáng chói và rựa rỡ muôn hồng nghìn tía, như chiếc bánh lễ to lớn bằng vàng. Từ bến cảng, tôi đã từng ngắm các tháp canh của thành Constantinople với những ngón tay nhọn hoắt chỉ lên trời, xuyên qua sương trắng bao phủ chung quanh như tấm màn mỏng bằng lụa che khắp mọi nơi…Tôi đã từng xem thấy các pháo đài, dinh thự cổ khắp nước Pháp, những nhà thờ chính tòa mái dốc cao vút lên trời xanh như lời cầu nguyện, khẩn xin. Tôi đã từng ngắm xem vẻ yêu kiều của các lâu đài miền sông Rhine và tổng hợp của tất cả những vẻ đẹp này làm tôi ngỡ mình đang ở cửa đền nữ Thần Diana. Người gác cửa hô lớn: "Coi chừng đôi mắt qúi vị". Đẹp đến cỡ đó. Nó có thể làm choáng mắt người xem. Đến đây tôi không hiểu cảnh vật đời đời có đẹp đẽ huy hoàng như tổng hợp các vẻ đẹp mà tôi đã từng được ngắm?

Vậy mà tôi vẫn chưa xem hết vẻ đẹp của thiên nhiên. Tôi còn được nghe người ta kể về các vẻ đẹp khác nữa. Tôi từng được nghe về vườn treo Babylone, lạ lùng không lời mô tả. Về các dinh thự của Doges, xa hoa nghiêm nghị, về Forum La Mã lấp lánh như kim cương, dưới chân là các đạo binh vô địch của Roma đang lầm lũi tuần tra. Tôi đã từng nghe về vẻ sáng ngời của Đền thờ Giêrusalem khi chiếu sáng như viên ngọc dưới ánh nắng ban mai. Tôi đã từng nghe về vườn địa đàng có 4 con sông lượn quanh với biết bao nhiêu vàng bạc, châu báu dưới mặt đất màu mỡ. Tôi còn được nghe nhiều điều kỳ lạ hơn nữa, mà người ta không có khả năng mô tả. Chúng đều đẹp đẽ làm say mê lòng người, hoặc chẳng có bút nào vẽ tả nổi. Tôi ngạc nhiên không hiểu vẻ đẹp của thiên đàng với các thú vui nảy sinh có so sánh được với tổng thể các nét rực rỡ của các công trình thế gian mà tôi đã được nghe đồn?

Ngoài những điều tôi xem thấy, nghe thấy còn vô số những hình ảnh mà tôi có thể tưởng tượng ra. Tôi có khả năng hình dung ra một thế giới không có bệnh tật, đau đớn, khổ sầu, cay đắng, khắc khoải. Tôi có thể vẽ ra một thế giới mọi người đều sống trong các lâu đài. Và trong xã hội thịnh vượng ấy, trật tự thật hoàn hảo, công lý được thi hành triệt để, không có lo lắng, than phiền, tôi có thể tưởng tượng một địa cầu không có mùa đông rét buốt, mùa hè oi bức, hoa nở không bao giờ tàn. Mặt trời không bao giờ lặn. Tôi có khả năng hình dung một trái đất luôn luôn có hòa bình và yên tĩnh mà không hề có ai ươn lười, mọi người đều có kiến thức uyên thâm về vạn vật mà không cần khảo sát tìm tòi, một thế giới vui sướng liên tục mà không nhàm chán. Tôi có khả năng tưởng tượng ra một hành tinh loại trừ mọi điều xấu xa, lo âu, bệnh hoạn của cuộc đời, một thế giới tập hợp toàn những niềm vui hoàn hảo nhất, hạnh phúc nhất và tôi tự hỏi Thiên đàng có được như vậy không? Tổng hợp các vui sướng thiên đàng có so sánh được với những điều tôi tưởng tượng ra?

Thực tế, cuộc sống đời đời có so sánh với những gì tôi từng được xem, nghe được và tưởng tượng ra không? Xin thưa: Không, cuộc sống muôn đời không hề giống như vậy. Hãy lắng nghe lời Thiên Chúa phán: "Mắt chưa từng được xem, tai chưa từng được nghe, lòng trí chưa hề hiểu biết những điều Thượng đế dọn sẵn cho những kẻ yêu mến Ngài". Nếu hạnh phúc đời đời vượt xa vui sướng thế gian, thì chẳng còn chi có thể so sánh được với nó. Do vậy, tôi bắt đầu hiểu được màu nhiệm của hình dáng trái tim con người. Trái tim con người không tròn chịa như trái tim của ngày valentine. Nó có hình dáng hơi bất thường, như thể một mảnh vỡ nào còn thiếu. Mảnh vỡ đó có lẽ giống như lưỡi đòng đâm thâu qua trái tim chung của nhân loại trên thập giá. Nhưng có lẽ nó còn đứng làm biểu tượng cho cao siêu hơn nữa. Nó mang ý nghĩa khi Thiên Chúa dựng nên mỗi trái tim con người. Ngài giữ một mẫu nhỏ của nó ở trên trời và gởi phần còn lại xuống trái đất. Nơi đây mỗi ngày nó phải học biết rằng nó chẳng bao giờ được hạnh phúc đầy đủ, chẳng bao giờ yêu thương trọn vẹn, chẳûng bao giờ hoàn toàn dấn thân, cho đến khi trở về cõi vĩnh hằng, để tìm ra mẫu nguyên thuỷ mà Thiên Chúa còn lưu trữ cho đến muôn đời sau. Amen./.